Đặc điểm cấu tạo Thương_(vũ_khí)

Thương là một loại khí giới thời cổ, trong chiến đấu Thương là vũ khí chuyên về đâm, thọc[1], cũng có thể dùng để khứa - một kiểu chém lướt và để lại vết chém nhỏ nhưng sâu (thường ở cổ hoặc các phần cơ thể không được che chắn bởi giáp trụ) và có lực sát thương rất lớn, đây là loại vũ khí có tầm đánh xa, rộng rất phù hợp với kỵ binh và bộ binh. Thương cấu tạo gồm mũi thương, ngù thương, cán thương cấu tạo thành. Thương có độ dài ngắn khác nhau và tên gọi cũng khác nhau.[1]

Mũi thương

Một lão võ sư đang dùng thương để đấu với trường đao

Mũi thương hay đầu thương là bộ phận hình nhọn, sắc, thuôn, đảm nhiệm vai trò sát thương chính, dùng để đâm, thọc hoặc khứa. Về cơ bản mũi thương giống mũi giáo hoặc mũi kích. Mũi thương theo cân năng của người Trung Quốc cổ thì khoảng năm đến sáu cân. Thương có rất nhiều chủng loại (phân chia dựa theo hình dạng mũi thương) nhưng phổ biến trong tập luyện hiện nay là tứ giác thương, tiễn hình thương, đơn câu thương, song câu thương. Một số cây thương được thiết kế đầu thương hình hạt lúa kiều mạch, dẹt, sống cao, lưỡi mỏng, đầu nhọn, trên sống ở đầu thương có thể có rãnh máu dùng để đâm, bổ dọc, chém ngang, rãnh máu sẽ giúp thương sau khi đâm vào cơ thể không bị cơ thịt giữ lại nên dễ dàng rút ra được.

Ngù thương

Ngù thương là những chiếc tua chỉ ở phía dưới mũi thương dùng để trang trí tạo thẩm mỹ nhưng cũng là điểm nối giữa cán thương và mũi thương. Ngoài ra ngù thương chính là một trong những điểm khác biệt giữa thương so với giáo. Khi thương đang chuyển nhanh thì các ngù thương tung bay theo thương và làm mờ tầm nhìn của đối phương để tạo sự khó khăn hơn trong việc nhìn thấy mũi thương, trục thương hoặc các động tác đánh thương. Hay nói ngắn gọn thì nó có thể làm hoa mắt đối phương, che giấu mũi thương tạo sự biến hóa, ảo diệu và có khi dùng để quấn, khóa binh khí của đối thủ.

Ngù thương cũng phục vụ một mục đích khác, để ngăn chặn máu chảy từ lưỡi thương vào trục gỗ của phần cán (Khi máu chảy vào phần cán của binh khí sẽ làm cho nó trơn, hoặc dính khi khô vì vậy gây bất lợi trong việc sử dụng). Cây thương có tua chỉ đỏ gọi là Huyết đương thương, còn cây thương có tua chỉ đen gọi là Tố anh thương.[1]

Cán thương

Cán thương dài

Cán thương là phần dài nhất của thương dùng để làm tay cầm thương. Đây là nơi đảm nhiệm chính các đòn thế đánh, đỡ... của thương. Chiều dài dao động từ khoảng 7 bộ (2 mét). Trong chiến tranh thời cổ, thương trang bị cho bộ binh thì độ dài của nó lên đến 13 bộ (4 mét) và đặc biệt thích hợp với kỵ binh.

Cán thương thường làm bằng gỗ sáp, một loại gỗ rất cứng nhưng có độ đàn hồi và linh hoạt. Tính linh hoạt của cán thương cũng là một ưu điểm so với giáo hoặc kích. Giáo hoặc kích thường làm bằng sắt hoặc đồng nên dù có tính cương mãnh nhưng lại thiếu tính linh hoạt và điểm quan trọng là thương khi sử dụng có thể uốn cong để hấp thụ các lực thừa, các phản lực đây là điểm kế thừa từ côn... vì vậy tận dụng được hết các sức lực phát ra.

Ngoài ra thì độ cong của thương cũng tạo lợi thế hơn so với giáo ở việc chém, quét. Khi thương chém vào đối thủ, cán sẽ uốn cong tạo thành hình bán nguyệt và làm tốc độ chém cao hơn, việc chém cũng dễ dàng hơn (vì có đà) giống như đao và quan trọng là mũi thương không bị mắc lại tại chỗ bị chém trúng (dễ phát dễ thu).

Như thế, các chuyển động uyển chuyển kết hợp với các tua ngù làm cho mũi giáo rất khó để nhìn và nắm bắt được tạo sức mạnh lớn. Nói chung, thương ra đời đã kế thừa tinh hoa của giáo trong việc đâm, chọc, đè binh khí đối thủ cũng như kế thừa những ưu điểm như độ dài, biên độ rộng, tầm đánh xa, và đánh có trọng điểm cũng kế thừa sự uyển chuyển linh hoạt, nhanh nhạy của côn trong việc quét, chém, xoay và đặc biệt là chi tiết ngù thương đã tạo nên hiệu quả rất lớn.